Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ gia hạn FIT điện gió đến 31/3/2022

lam hien

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. 

Tin vui cho nhà đầu tư điện gió

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021; chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022. Đây là những vấn đề lớn đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn của địa phương, một số vấn đề do vướng mắc chung như chính sách về giá điện năng lượng tái tạo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh COVID-19.

“Việc gia hạn giá FIT điện gió có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

                 Đã có 84 dự án điện gió được hưởng giá FIT.

Gỡ khó cho điện mặt trời

Cũng tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Đây là vấn đề đang vướng nhưng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành.

“Chủ trương này đã bàn từ năm 2017, 2018 nhưng hiện vẫn chưa ban hành được cơ chế cụ thể. Dự án có quy hoạch rồi mà không có cơ chế giá thì cũng không thể triển khai được. Do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung hoàn thiện sớm vấn đề này” Chủ tịch Quốc hội đề nghị .

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ đều đã có chủ trương phát triển nguồn điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thực hiện chủ trương tại hai Nghị quyết này, cố gắng đưa vào kỳ quy hoạch sớm hơn.

Về việc huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư lưới điện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nếu chuẩn bị kịp, Quốc hội xem xét Dự án Luật sửa đổi Luật Điện lực cũng đã đề cập vấn đề đầu tư hệ thống truyền tải điện để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng lưới điện tại Kỳ họp chuyên đề cuối năm nay.

Như Nhadautu.vn đã thông tin, theo báo cáo cập nhật của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 31/10 (thời hạn cuối cùng hưởng giá FIT) đã có 69/106 nhà máy điện gió đăng ký được công nhận vận hành thương mại (COD), hưởng giá FIT. EVN đã nhận được 106 hồ sơ đăng ký của 106 nhà đầu tư điện gió với tổng công suất 5755,5 MW.

Tính đến hết ngày 31/10/2021, tức thời hạn cuối cùng để được xét công nhận dự án vận hành thương mại và được hưởng giá hỗ trợ (FIT) theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức giá bán điện 8,5 Uscents/kWh trên đất liền và 9,8 UScent/kWh trên biển trong thời hạn 20 năm, đã có 69 nhà máy điện gió (chiếm 65% trên tổng số dự án đăng ký) với tổng công suất 3.298,95 MW đã được công nhận COD..

Như vậy, nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000MW được công nhận COD. Tính chung từ trước đến nay đã có 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, trong đó có 84 dự án đã COD, còn lại 62 dự án chưa COD tính đến ngày 31/10/2021.

Về đầu tư điện mặt trời: Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời đã hết hiệu lực từ cuối năm 2020 cho đến nay vẫn chưa có Quyết định mới nên nhiều dự án đã đầu tư xong chưa thể đấu nối.

Admin TVo (Nguồn: Báo Nhà đầu tư)


18/11/2021    IPC E&C